
Phật nhặt nhúm lá dưới chân
Hỏi các đệ tử đứng chung quanh Ngài
Nhúm lá ta cầm trong tay
Có nhiều so với lá cây trong rừng
Các đệ tử bạch Thế Tôn
Lá rừng sa số nhiều hơn bội phần
Phật nói điều ta quán thông
Do trực ngộ cũng tương đương lá rừng
Còn điều giảng dạy chư tăng
Chỉ bằng nhúm lá ta cầm trong tay
Không giảng hết vì Như Lai
Chẳng thấy ích những gì ngoài Pháp môn
Ta dạy khổ đế cõi trần
Căn nguyên và pháp tu hành thoát ra
Vậy nhiệm vụ chư tăng là
Tu để giác ngộ sâu xa niết bàn
Bắc Phong
* Thơ phóng tác dựa ý phẩm Lá Rừng Simsapa trong Tương Ưng Bộ Kinh.
KINH LÁ RỪNG SIMSAPA
Một thời, Thế Tôn trú ở Kosambi, tại rừng Simsapà. Rồi Thế Tôn lấy tay nhặt lên một ít lá Simsapà, rồi bảo các Tỷ-kheo:
"Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, cái gì là nhiều hơn, một số ít lá Simsapà mà Ta nắm lấy trong tay, hay lá trong rừng Simsapà?"
"Thật là quá ít, bạch Thế Tôn, một ít lá Simsapà mà Thế Tôn nắm lấy trong tay, và thật là quá nhiều lá trong rừng Simsapà."
"Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, thật là quá nhiều, những gì Ta đã thắng tri mà không nói cho các Ông! Thật là quá ít những gì mà Ta đã nói ra! Nhưng tại sao, này các Tỷ-kheo, Ta lại không nói ra những điều ấy? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, những điều ấy không liên hệ đến mục đích, không phải là căn bản cho Phạm hạnh, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Do vậy, Ta không nói lên những điều ấy.
"Và này các Tỷ-kheo, điều gì mà Ta nói? 'Ðây là Khổ', này các Tỷ-kheo, là điều Ta nói. 'Ðây là Khổ tập', là điều Ta nói. 'Ðây là Khổ diệt', là điều Ta nói. 'Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt', là điều Ta nói.
"Nhưng tại sao, này các Tỷ-kheo, Ta lại nói ra những điều ấy? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, những điều ấy liên hệ đến mục đích, là căn bản cho Phạm hạnh, đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Do vậy, Ta nói lên những điều ấy.
"Do vậy, này các Tỷ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: 'Ðây là Khổ', một cố gắng cần phải làm để rõ biết: 'Ðây là Khổ tập', một cố gắng cần phải làm để rõ biết: 'Ðây là Khổ diệt', một cố gắng cần phải làm để rõ biết: 'Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt'".
HT Minh Châu dịch Việt
Tương Ưng Bộ Kinh, SN LVI.31